Bụi và tạp chất còn lại trên bề mặt do vệ sinh không cẩn thận trước khi tiến hành thi công có thể ảnh hưởng đến độ bám dính, tương tự đối với mặt sau của gạch. Các yếu tố khác như vết nứt hoặc lưu thông sớm trên bề mặt chưa được bảo dưỡng đầy đủ cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng bám dính.
Cách phòng tránh: Đảm bảo rằng bề mặt được xử lý và vệ sinh sạch sẽ. Bề mặt phải được loại bỏ bụi bẩn, tàn dư của các vật liệu gây hại có thể ảnh hưởng đến khả năng bám dính. Tương tự, sử dụng miếng xốp ẩm để loại bỏ bụi và cặn bẩn ở mặt sau của gạch trước khi tiến hành thi công.
Độ bám dính kém có thể do độ phủ của keo dán không đủ. Những khoảng trống và lỗ rỗng khí trong lớp keo dán có thể dẫn đến hiện tượng bong gạch cũng như gạch bị bể bởi tác động của một vật rơi xuống hoặc những tác động bên ngoài.
Cách phòng tránh: Sử dụng đủ lượng keo đảm bảo độ che phủ và tiếp xúc giữa lớp nền và mặt sau của viên gạch. Đặt viên gạch vào vị trí cần ốp, sử dụng một lực vừa đủ và chắc chắn rằng các đường rãnh keo được tràn đều và không tạo lỗ rỗng khí. Đối với loại gạch mỏng kích thước lớn, nên kéo vữa theo một hướng để đảm bảo rằng keo được nén theo một hướng để tránh hình thành các lỗ hổng khí giữa các đường rãnh.